Lưu trữ nguồn năng lượng sức mua vào internet

bởi Truc Thanh

Là thành quả lao động, là kết quả của việc trồng trọt, là phần thưởng của kinh doanh thành công, là mồ hôi, công sức và nỗ lực mà mọi người trong chúng ta tạo ra mỗi ngày. Và có thể dùng nguồn năng lượng đó mua những thứ chúng ta cần và muốn.

Tại sao người ta lại khó hiểu về tiền đến vậy, có điều gì bí ẩn sau tờ tiền kia mà khiến phần đa siêng năng lao động, đánh đổi sức lực, mồ hôi, máu, và cả tình dục cho nó nữa.

Tiền là gì? một câu hỏi đơn giản nhưng rất khó trả lời trong phạm vi một bài viết, nhưng với những quan sát và trải nghiệm cá nhân thì mình sẽ cố gắng diễn giải nó một cách đơn giản và dễ hiểu nhất.

Tại sao bạn chỉ có cần có “tiền” (tiền giấy hoặc tiền điện tử trong ngân hàng) là có thể mua hầu như  được tất cả, hầu như thôi nhé. Tiền bắt đầu dần dần trở nên khó hiểu và bí ẩn hơn khi trải qua các dòng lịch sử phát triển của con người. Cách dễ hiểu nhất của trao đổi hàng hoá là khi mình có trái bưởi đổi lại bạn trái cam, khi mà hai bên đều mong muốn sở hữu vật kia của đối phương và cảm thấy hợp lý khi trao đổi nó, thế là một giao dịch xuất hiện.

(nguồn: Robert Breedlove)

Nhưng khi nhà mình nuôi lợn, nhà bạn nuôi gà, bạn mang 1 con gà qua đổi lấy một con lợn của mình, vì cảm thấy không hợp lý, mình yêu cầu bạn mang 10 con gà đến thì mình sẽ đồng ý trao đổi. Nhưng nhu cầu của bạn chỉ muốn có ¼ con lợn thôi. Vấn đề xuất phát từ đó. Do sự mâu thuẫn diễn ra trong quá trình trao đổi hàng hoá và sự khó cân bằng đong đếm trong giao dịch nên tiền xuất hiện.

Gọi là “tiền” do mọi người gọi nó là vậy nhưng bản chất thật của nó cũng chỉ là đơn vị trung gian mà 2 bên tin là có giá trị, và có thể chia ra từng phần nhỏ dễ dàng, nhưng cũng đủ nhẹ để mang đi mang lại mà không cần lúc nào cũng mang theo gà với lợn.

Nhưng có một vấn đề lớn ở đây, là “lòng tin”, trước đó gà với lợn là lòng tin vì đơn giản là nó có giá trị, dễ dàng thấy và hiểu được, còn giờ bạn cầm 1 đồng xu ra và nói nó có giá trị và muốn mọi người cùng tin nó có giá trị thì lấy cơ sở gì để mọi người tin?

Vàng là một ví dụ kinh điển cho trường hợp trên, từ thời xa xưa người ta đã dùng vàng làm trang sức, với nhiều đặc tính như khan hiếm, khó khai thác, không bị oxi hoá, dễ chế tạo, có màu sắc đẹp đã dễ dàng chiếm được cảm tình của mọi người và dần dần trở nên quý hiếm và được cộng đồng tin tưởng là có giá trị nên ngoài việc dùng làm trang sức ra vàng còn được dùng làm phương tiện trao đổi thanh toán.

Càng ngày nhu cầu trao đổi giao thương của con người càng trở nên nhộn nhịp và sôi động, vì số lượng vàng khai thác k kịp với nhu cầu sử dụng nên họ không thể dùng vàng để giao dịch mãi được vì không đủ số lượng cho việc đó.

Vỏ sò, lông chim, răng cá mập, lông đuôi voi, và thậm chí có cả những tảng đá, đều được dùng để làm phương tiện trung gian để thanh toán. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là tất cả các vật dụng đó đều phải vận hành trên nền tảng “lòng tin” và sự “chấp nhận” của cộng đồng nơi đồng tiền đó được phát hành và lưu thông.

Sau khi thấy những bất lợi của những công cụ trên, nhà nước bắt đầu sáng tạo ra đồng tiền bằng kim loại, như vật liệu bằng đồng chẳng hạn, và đứng ra công nhận và đảm bảo giá trị cho chúng, vì bạn có thể cầm đồng tiền đó vào kho gạo của nhà nước để đổi lấy gạo.

Tiền giấy cơ bản hoạt động cũng giống cơ chế như trên với ưu điểm nhẹ hơn, dễ sản xuất, chi phí thấp hơn… được sử dụng rộng rãi cho đến đến khi thời kỳ internet bùng nổ, và các ngân hàng chuyển sang lưu sổ cái của họ trên máy chủ và kết nối với internet, từ đó tiền điện tử ra đời, bạn có nhận lương hàng tháng qua tiếng ting ting trên điện thoại không?, đó là tiền điện tử được các tổ chức ngân hàng trung ương phát hành.

(tiền giấy được chính phủ Mỹ phát hành có chứng chỉ vàng. Tổng thống Nixon bãi bỏ liên kết bản vị vàng với USD vào năm 1971 - nguồn wikipedia)

(tiền giấy được chính phủ Mỹ phát hành có chứng chỉ vàng. Tổng thống Nixon bãi bỏ liên kết bản vị vàng với USD vào năm 1971 – nguồn wikipedia)

Một hành trình dài đi từ con lợn và gà trao đổi với nhau và sau này đến tờ tiền giấy đúng không, một tờ giấy vẽ vài con số vào, được nhà nước đóng mộc chỉn chu và bạn tin nó có giá trị, và người bán hàng cho bạn cũng tin nó có giá trị, đó là cách vận hành của hệ thống tiền tệ hiện tại. Khi lòng tin của người dân vào hệ thống tiền tệ thấp thì sinh ra vô số vấn đề khó khăn cho nhà nước để có thể quản lý được hệ thống tài chính quốc gia và sẽ nhanh chống sập đổ.

NGUỒN NĂNG LƯỢNG SỨC MUA LÀ GÌ?

Là thành quả lao động, là kết quả của việc trồng trọt, là phần thưởng của kinh doanh thành công, là mồ hôi, công sức và nỗ lực mà mọi người trong chúng ta tạo ra mỗi ngày. Và có thể dùng nguồn năng lượng đó mua những thứ chúng ta cần và muốn.

Tiền mặt là công cụ quy đổi đơn giản, dễ hiểu và có khả năng chia nhỏ ra nhiều đơn vị. Khi mình cầm 10 triệu đồng, mình có thể mua được số lượng hàng hoá giá trị 10 triệu đồng. Nghĩa là tờ tiền kia, chứa nguồn năng lượng sức mua là 10 triệu vào bên trong chứ bản chất tờ giấy kia không có giá trị, hơi khó hiểu đúng không? chúng ta hãy tìm hiểu một chút về bản chất của năng lượng, năng lượng không sinh ra và mất đi, chỉ chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác. Ở đây chúng ta sẽ nắm vài ý chính của năng lượng đó là sự di chuyển, tiêu hao và gia tăng.

SỰ LUÂN CHUYỂN, TIÊU HAO, GIA TĂNG CỦA NGUỒN NĂNG LƯỢNG.

Một nguồn năng lượng vô hình, và nó cần một vật thể để chất chứa và lưu lại. Ví dụ đơn giản: mình có 1 cái iphone, macbook, và Cục pin dự phòng. mình có một nguồn năng lượng điện nhất định (100%), giờ mình chọn 1 trong nhiều công cụ trên để lưu lại lượng điện mình có hoặc có thể chọn 2 3 công cụ tùy thích. Mình quyết định chuyển 50% lượng điện đầu tiên vào iPhone và khi mở điện thoại lên mình thấy có 50% pin trong máy. Thiết bị thứ hai mình chọn là cục pin dự phòng, mình chuyển nốt vào 50% lượng điện còn lại vào cục pin dự phòng. 1 tháng trôi qua, mình quay lại kiểm tra, thì chiếc iphone của mình chỉ còn 30% pin, 20% đã đi đâu? còn pin dự phòng thì còn lại 48% pin so với 50% lúc sạc vào 1 tháng trước.

iPhone -> lúc đầu 50% -> sau 1 tháng -> còn 30%  => gây tiêu hao 20% mặc dù mình không xài tới.

Pin dự phòng -> lúc đầu 50% -> sau 1 tháng -> còn 48% => tiêu hao 2% năng lượng cho 1 tháng và cũng không xài tới pin dự phòng.

Vậy các bạn có thể trả lời cho mình là 20% lượng điện của iPhone biến đi đâu không? Đó gọi là thất thoát nguồn năng lượng sức mua (thường gọi là lạm phát).

Từ đó mới có những câu chuyện người dân Hà Nội vài chục năm trước gửi giá trị số tiền có thể mua được cả căn nhà mặt phố để bỏ vào ngân hàng, và sau vài chục năm rút ra chỉ đủ mua được 2 bát phở. Sự thất thoát nguồn năng lượng đáng sợ đúng không.

Nên qua vài ví dụ trên cho chúng ta thấy “tiền” vốn dĩ là một công cụ để ta lưu lại sức mua, cũng như ví dụ cục pin dự phòng chỉ mất 2% sau 1 tháng là ám chỉ cho “vàng” tuy có lạm phát nhưng rất thấp, vẫn giữ được nguồn năng lượng sức mua lâu dài với mức rò rỉ điện thấp đáng kể hơn so với iPhone (tựa như tiền mặt)

Vậy chỉ cần có được một công cụ nào giữ được NNLSM (Nguồn năng lượng sức mua) thì đã quá ưu việt rồi đúng không, đó là vấn đề cực lớn của con người hiện tại vì phần đa mọi người vẫn giữ tiền mặt là chủ yếu.

Không những giữ được mà còn gia tăng NNLSM thì quả là một giải pháp ưu việt mà rất nhiều người đang tìm kiếm.

LƯU TRỮ NGUỒN NĂNG LƯỢNG SỨC MUA Ở ĐÂU?

Có rất nhiều cách để lưu trữ được NNLSM như vàng, bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu, hàng hoá (dầu, cà phê, đậu nành…) và phổ biến nhất vẫn là tiền mặt, nơi mà NNLSM có thể dễ dàng lưu thông từ người này đến người kia và có thể chia nhỏ để sử dụng trong nhiều kích cỡ giao dịch khác nhau (tờ tiền 1 nghìn, 2, 5, 10 nghìn, đến lớn nhất là 500 nghìn).

Mỗi công cụ lưu trữ đều có một ưu nhược điểm riêng và sẽ thích hợp với một số đối tượng nhất định, và công cụ nào tiếp cận được nhiều người nhất với hiệu quả cao thì nguồn năng lượng sức mua sẽ tập trung vào đó!

Trên thế giới đặc biệt ở các nước phát triển như Mỹ, họ có rất nhiều loại tài sản để lưu lại NNLSM. Nhưng tại Việt Nam thì mãi đến ngày ngày 11-7-1995. Tổng thống Bill Clinton mới chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ. Từ đó đất nước ta mới sinh ra kinh tế thị trường và ngoại giao trao đổi hàng hoá với các nước trên thế giới. Đến năm 1993 luật đất đai Việt Nam mới ra đời và bổ sung lần 2 vào năm 2001, ngày 11-7-1998, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức được khai sinh theo Nghị định số 48/CP của Chính phủ. Đồng thời, Chính Phủ cũng ký quyết định thành lập Trung tâm Giao dịch Chứng khoán, đặt cơ sở tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 28-7-2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM chính thức đi vào hoạt động với 2 mã cổ phiếu giao dịch đầu tiên là REE và SAM. Hiện tại Forex và Crypto tại Việt Nam là 2 lĩnh vực đang ở vùng “xám”, chưa được nhà nước công nhận và có luật để quản lý cũng như không có sự bảo vệ  cho nhà đầu tư khi có tranh chấp xảy ra.

Qua quá trình phát triển kinh tế tại Việt Nam cho chúng ta thấy được thị trường tài chính chúng ta còn quá non trẻ, tất cả thị trường đều chỉ mới đưa vào hoạt động từ vài chục năm gần đây, nên đối với đa phần người Việt hiện tại thì 2 công cụ chắc ăn và được tin tưởng nhất để lưu lại giá trị là vàng và bất động sản. Còn những thị trường tài chính khác như hàng hoá, chứng khoán, crypto, forex… Thì được phần đa mọi người nhìn nhận rất tiêu cực và mang tính may rủi, cờ bạc nhiều hơn, nên tại sao người ta hay dùng từ “CHƠI” để nói về các thị trường này.

Một hình ảnh minh hoạ về sự phân bố nguồn năng lượng sức mua, ví dụ: Low yielding bonds (trái phiếu có lãi suất thấp) là nơi đang chứa nhiều NNLSM nhất, trị giá 234 nghìn tỷ đô la. (hình ảnh này đã lâu nên con số sẽ không chính xác so với thời điểm viết bài 8/3/2021)

Mỗi “công cụ” sẽ có những ưu nhược điểm khác nhau ví dụ như BĐS khi lưu giá trị vào rồi bạn rất khó di chuyển nguồn năng lượng đó linh hoạt từ nơi này sang nơi khác như tiền mặt. Nhưng đổi lại mức độ tăng giá của BĐS mỗi năm tốt nên chống được lạm phát, không những giữ được nguồn năng lượng của bạn không mất đi mà còn gia tăng thêm sức mua theo thời gian. Đó là lý do tại sao người Việt Nam rất thích đầu tư và sở hữu Bất động sản, vì ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, BĐS lúc nào cũng là thị trường bùng nổ đầu tiên và phát triển mạnh mẽ nhất để từ đó tạo ra nền tảng cơ sở hạ tầng, các khu dân cư ,đô thị nhằm giải quyết nhu cầu an cư, làm việc cho người dân, còn đối với các quốc gia phát triển lâu đời như Âu, Mỹ, Nhật, thì sau hàng trăm năm phát triển, cơ sở hạ tầng đã ổn định nên cơ hội để BĐS tăng giá như Việt Nam là không còn, phần trăm tăng trưởng là có nhưng không nhiều. Nên đó là lý do tại sao Việt Kiều Mỹ rất thích về VN đầu tư BĐS, sao bạn không đặt câu hỏi, sao họ không đầu tư BĐS ở Mỹ mà phải về VN đầu tư?

Trong bài viết “Bitcoin – kho lưu trữ giá trị” mình đã nêu ra khá rõ các ưu nhược điểm của các thị trường như vàng, chứng khoán, bất động sản… nên không lập lại quá nhiều trong bài này. Ban có thể quay lại bài đó để xem sơ qua và nắm một số ý chính của các thị trường.

KHO LƯU TRỮ VÔ TẬN TRÊN INTERNET

Đặc tính của năng lượng là luân chuyển, gia tăng, giảm xuống, và chuyển đổi sang một dạng khác. Ở đây chúng ta sẽ chỉ tập trung vào nguồn năng lượng sức mua. Bạn có 50 nghìn , và dùng 50 nghìn đó để chuyển đổi thành ly cà phê có giá trị tương đương. Và nếu bạn có số tiền nhiều hơn, 1 tỷ, 10 tỷ, 100 tỷ, thì sau khi mua ly cà phê 50 nhìn, bạn còn dư lại rất nhiều tiền (dư ra rất nhiều nguồn năng lượng). Bài trước mình đã chia sẻ nhiều về lạm phát, nó sẽ gây rò rỉ nguồn năng lượng của bạn vì bạn đang lưu trữ nguồn năng lượng đó vào tiền mặt. (giống như sạc điện vào iPhone, một thời gian không xài đến thì lượng pin vẫn bị hao hụt).

Câu hỏi quan trọng là làm sao để bảo vệ và gia tăng thêm nguồn năng lượng đó. Cách mà mọi người hiện nay đang làm khá phổ biến là họ lưu nguồn năng lượng đó vào BĐS, vàng, chứng khoán… và cách này đã được loài người sử dụng hàng trăm năm qua… Cho đến khi họ sáng tạo ra một loại tài sản mới, một kho lưu trữ giá trị vô tận trong internet ra đời vào thế kỷ 21.

Bitcoin – với rất nhiều đặc tính ưu việt để trở thành một kho lưu trữ năng lượng sức mua và là một giải pháp toàn diện để trở thành kho lưu trữ lớn nhất của loài người.

Hãy tưởng tượng bạn có một cục pin vô tận trên internet, nơi bạn có thể đi đến bất cứ đâu trên thế giới, và với “chìa khoá” trong tay, bạn thể thể tiếp cận và làm chủ NNLSM của bạn. Điều mà bạn không thể làm được với BĐS, vàng, chứng khoán, tiền mặt hay bất cứ một loại tài sản nào khác… do các giới hạn về địa lý, thể chế, luật lệ riêng của từng quốc gia. Bạn không thể lúc nào cũng mang theo vài trăm ký vàng theo bạn khắp mọi nơi và dùng để chuyển đổi thanh toán dễ dàng, hay cũng không thể mang theo BĐS của bạn đi đâu được cả, trừ khi bạn bán nó và chuyển đổi thành tiền mặt, và khi qua quốc gia khác bạn lại chuyển đổi một lần nữa từ tiền VND sang tiền pháp định địa phương. Và với chứng khoán câu chuyện cũng tương tự vậy, nghĩa là trên thế giới chúng ta vẫn lưu trữ NNLSM vào các tài sản giống nhau nhưng vì sự khác nhau giữa các quốc gia nên chúng ta cần sự chuyển đổi qua lại.

LUÂN CHUYỂN NGUỒN NĂNG LƯỢNG ĐI KHẮP THẾ GIỚI

Gần 50% dân số thế giới không được tiếp cận với hệ thống tài chính chính thống đến từ ngân hàng, nên đó là lý do tại sao ở những nước có hệ thống tài chính không phổ biến như Châu Phi thì tỷ lệ người dân sử dụng Bitcoin cao, vì đó là cách giúp họ lưu trữ lại được NNLSM và luân chuyển trao đổi nó đi khắp thế giới mà hệ thống tài chính trong nước không giúp được họ.

(những quốc gia Châu Phi rất ít người tiếp cận được hệ thống ngân hàng)

Chỉ cần có Internet bạn đã tiếp cận được kho lưu trữ vô tận mang tên Bitcoin, nơi là mọi người sử dụng để lưu lại giá trị mà không cần lòng tin vào nơi thứ 3 như chính phủ và ngân hàng. Với cơ chế hoạt động cân bằng lợi ích, Bitcoin thu hút mọi người đến và hỗ trợ, xây dựng và phát triển dựa trên lợi ích họ nhận được cũng như là lòng tin cùng sự nhiệt huyết mà họ dành cho nó, từ những Bitcoin đầu tiên mà Satoshi và những những người bạn đào được định giá bằng chi phí tiền điện để tạo ra nó, và cho đến hiện tại Bitcoin đã đi một chặng đường dài để trở thành một thị trường gần 1 nghìn tỷ đô như hiện tại.

(nguồn: casebitcoin)

Trong 10 năm qua Bitcoin đã tăng hơn 5 triệu %, cao hơn bất kỳ tài sản nào hiện có trên thị trường, lý do tăng trưởng của Bitcoin là gì? đầu cơ, đầu tư, lòng tin, tham lam, kỳ vọng, fomo, giá trị, công nghệ, cuộc cách mạng tài chính… Tất cả điều đúng, nhưng cốt lõi của sự tăng trưởng bền vững là Bitcoin đang chứng minh nó đang dần dần trở thành “kho lưu trữ giá trị” là điều không thể tránh khỏi. Những đợt trồi sụt, tăng rồi lại sập trong hơn 10 năm qua là hành trình Bitcoin phải bắt buộc trải qua trước khi có được vốn hoá đủ lớn để mang lại sự ổn định hơn, như thị trường vàng chẳng hạn.

Nhiều bạn hay so sánh Bitcoin như cơn sốt hoa tulip tại Hà Lan, nhưng nhìn lại dòng lịch sử của Bitcoin bạn có thấy được, tất cả đỉnh mới và đáy mới đều cao hơn đỉnh và đáy cũ trước đó, đó là một dấu hiệu rất rõ ràng của một sự phát triển bình thường của bất cứ một loại tài sản nào.

Bong bóng hoa tulip diễn ra trong thời gian rất ngắn và được trả về giá trị ban đầu sau khi bong bóng đi qua.

Tháng 3/2020 là một cơ hội vô cùng hoàn hảo khi Covid làm sập tất cả thị trường, nếu Bitcoin vốn dĩ là một bong bóng đầu cơ vô giá trị thì đây quả là một cơ hội tốt nhất để BTC trở về 0. Nhưng nhìn lại cho đến hiện tại, thì tài sản nào phục hồi nhanh nhất và tăng giá cao nhất trong các loại tài sản ngoài kia => Bitcoin!. Câu chuyện năm 2017 chẳng hạn, sau khi sập giá về hơn 3k usd từ đỉnh gần 20k thì cũng là một cơ hội rất thuyết phục để trở về Zero đúng không nào.

Bitcoin đã vượt lên trên một bong bóng tài chính và từ từ chuyển mình thành kho lưu trữ giá trị (lưu lại tất cả nguồn năng lượng sức mua)

BITCOIN IS HOPE

Linh hoạt, không biên giới, không thể chế, bình đẳng giới, không có sự kiểm soát, tất cả ai từ người giàu đến người nghèo, từ số tiền nhỏ chỉ vài đô la đến số tiền lớn hàng tỷ đô la đều có thể dễ dàng lưu trữ vào. Bitcoin làm được những điều ưu việt trên mà các loại tài sản khác khó so sánh được, đâu phải ai cũng có số tiền lớn để mua BĐS đúng không nào? Bạn đưa nguồn năng lượng sức mua của bạn lên internet, chúng vận hành luân chuyển khắp nơi, và cho dù bạn đi đến bất cứ quốc gia nào, bạn cũng dễ dàng dùng “chìa khóa” (private key) để truy cập kho chứa nguồn năng lượng đó, và có thể dùng nó để giao dịch hay chuyển đổi thành bất kỳ loại tiền pháp định nào tại bất kỳ quốc gia nào bạn đến mà không có bất kỳ ai ràng buộc hay chờ đợi ai cho phép bạn làm điều đó. (trừ một số quốc gia chưa chấp nhận giao dịch Bitcoin)

Để tóm lại bài viết này, mình muốn các bạn có thể hiểu và bóc tách thật sự tiền là gì, tài sản là gì, và quan trọng hơn hết là hiểu được nguồn năng lượng sức mua là gì? Bitcoin, tiền mặt, bđs, chứng khoán hay vàng cũng đơn giản là nơi để bạn chọn và lưu lại nguồn năng lượng đó, làm thế nào có thể bảo quản và gia tăng NNLSM một cách đáng kể vì nó là nguồn của thịnh vượng và giàu có, là sự chuyển giao tiếp theo cho thế hệ sau này của chúng ta, vì thế đâu là công cụ tốt nhất để chúng ta tin tưởng và dùng để lưu lại!

Và đây là một vài chia sẻ từ Raoul Pal, cựu CEO Goldman Sachs nhìn nhận về Bitcoin mà mình thấy rất phù hợp cho bài viết này, không phải tầng lớp trung lưu nào cũng là những nhà kinh doanh thành công và những phù thuỷ thị trường để kiếm được lợi nhuận cao hơn % lạm phát mỗi năm đến từ tiền giấy.

Những người bình thường không thể đứng trước những làn sóng thế tục khổng lồ này hoặc giá trị của mẫu số (tiền tệ fiat) đang giảm. Họ không thể sở hữu đủ các khoản đầu tư để bù đắp chênh lệch

Đó là một cái bẫy nghèo đói của tầng lớp trung lưu.

Bitcoin là chiếc phao cứu sinh duy nhất là tôi biết có khả năng tùy chọn thay đổi điều này theo thời gian.

Nó SẼ bị đầu cơ quá mức, nó sẽ bùng phát nhưng sẽ tăng trở lại.

Tôi không thấy có nhiều lựa chọn thay thế vì hầu hết không thể là doanh nhân thành công hoặc phù thuỷ thị trường.

Nhưng chúng tôi có một giải pháp khác – BTC là Tài sản kỹ thuật số nói chung.

Đó là một loại tài sản hoàn toàn mới, có lợi nhuận kỳ vọng đáng kinh ngạc trong tương lai từ các hiệu ứng áp dụng và các trường hợp sử dụng.

Sử dụng nó.

 

Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân và không phải là lời khuyên đầu tư, không mang tư tưởng “tối đa hoá” bất cứ một kênh đầu tư nào, nếu bạn bỏ qua những hoài nghi, sự phủ nhận của đám đông và dành thời gian tìm hiểu thì Bitcoin sẽ không làm bạn thất vọng, đừng bỏ lỡ cơ hội 100 năm này!

You may also like

Gởi bình luận

Gọi ngay
icons8-exercise-96 chat-active-icon